Chuyển tới nội dung

Than đá và sự phát triển bền vững năng lượng Việt Nam

Than đá và sự phát triển bền vững năng lượng Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam sẽ còn phụ thuộc rất cơ bản vào khả năng khai thác các điều kiện tự nhiên (đất đai, sông, biển, tài nguyên khoáng sản, điều kiện khí hậu). Đặc biệt, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản năng lượng hóa thạch gồm: dầu mỏ, khí thiên nhiên, than đá, v.v… hạn chế.

Than đá và sự phát triển bền vững năng lượng Việt Nam

  • Từ năm 2013 lượng than đá nhập khẩu tăng lên do nhu cầu nhập khẩu than nhiệt tăng dần qua các năm, tăng từ 2,3 triệu tấn vào năm 2013 lên khoảng 54,8 triệu tấn vào năm 2020.
  • Riêng năm 2021 than nhập khẩu chỉ còn 36,29 triệu tấn, giảm khoảng 18,5 triệu tấn so với năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới nhu cầu năng lượng giảm, kéo theo nhu cầu than cũng giảm mạnh.

Việc nhập khẩu than đá trong những năm vừa qua với mục tiêu chính là:

  • Sử dụng trực tiếp đáp ứng nhu cầu của các đơn vị tiêu thụ theo hợp đồng đã ký, nhất là các nhà máy nhiệt điện than.
  • Chế biến, pha trộn với than trong nước thành các sản phẩm than phù hợp với nhu cầu các đơn vị tiêu thụ theo hợp đồng đã ký.

Than đá nhập khẩu để phối trộn chủ yếu là các loại than antraxit, bán antraxit, than nhiệt năng chất bốc thấp, nguồn than chủ yếu được nhập khẩu từ Nga, Nam Phi và Úc.

Đánh giá tình hình sử dụng năng lượng ở Việt Nam trong những năm sắp tới

  • Năm 2020, mức tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người của Việt Nam là 42,0 GJ/người, trong khi bình quân của thế giới là 71,4 và của một số nước là: Xing-ga-po 583,9, Ca-na-đa 361,2, Na Uy 356,0, Mỹ 265,2, Hàn Quốc 229,9, Úc 218,4, Đài Loan 202,3, Phần Lan 197,0, Hà Lan 196,8, Bỉ 189,0, Đức 144,6, Ma-lai-xi-a 127,1, Hồng Kong 123,9, Trung Quốc 101,1, Thái Lan 73,3, v.v…
  • Tổng phát thải khí nhà kính năm 2020 của Trung Quốc là 9.899,3 triệu tấn (chiếm 30,7% của thế giới), Mỹ 4.457,2 triệu tấn (13,8%), Nga 1.482,2 triệu tấn (4,6%), Nhật Bản 1.027,0 triệu tấn (3,2%), Đức 604,9 triệu tấn (1,9%). Chỉ riêng 5 nước chiếm 54,2%. Việt Nam phát thải 283,9 triệu tấn, chiếm 0,9%, trong khi dân số chiếm khoảng 1,2%.
  • Năm 2020, phát thải CO2 bình quân đầu người của Việt Nam chỉ là 2,91 tấn/người, trong khi của Mỹ là 13,46; Ca-na-đa 13,70, Hàn Quốc 11,26, Nhật Bản 8,12, Ma-lai-xi-a 7,90, v.v…

Như vậy, hiện tại Việt Nam có mức phát thải khí nhà kính rất thấp. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do mức tiêu thụ năng lượng còn thấp.

Cần nhớ rằng, đối với Việt Nam đi đôi với sử dụng năng lượng tiết kiệm để giảm phát thải phải là tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng sản xuất sạch hơn – tức là tăng cường phát triển các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao nhưng tiêu hao ít năng lượng, kéo theo có mức phát thải thấp, triệt để không phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm tiêu hao nhiều năng lượng để xuất khẩu.

Do vậy, thời gian tới, đi đôi với gia tăng nhu cầu năng lượng cần phải sử dụng tiết kiệm năng lượng, đồng thời phải theo hướng sử dụng năng lượng sạch hơn phù hợp với mức thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng.

Nếu chúng ta quên đi điều này, cứ lao vào “bẫy biến đổi khí hậu” theo kiểu phong trào, nền kinh tế Việt Nam sẽ mãi tụt hậu, sức lao động ở Việt Nam sẽ mãi vẫn chỉ là hàng hóa rẻ tiền và Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất an ninh năng lượng.

Nguồn: Tổng hợp.